Thời kì Khai Nguyên: Thái bình thịnh trị Đường_Minh_Hoàng

Tình hình chính trị

Tranh vẽ Đường Minh Hoàng và Trương Quả Lão

Cuối năm 713, Đường Minh Hoàng đổi niên hiệu thành Khai Nguyên năm thứ nhất. Từ đó mở đầu thịnh trị Khai Nguyên, một thời đại huy hoàng về chính trị, văn hoá, quân sự... trong lịch sử nhà Đường nói riêng và lịch sử Trung Quốc nói chung[31].

Minh Hoàng ban đầu dùng Trương ThuyếtLưu U Cầu vào chức tể tướng, nhưng sớm thay thế họ bằng Diêu Nguyên Chi cùng Lư Hoài Thận. Diêu Nguyên Chi được sử sách đánh giá là một vị quan có năng lực và đầy chính trực, sau này khi làm tể tướng, ông đổi tên thành Diêu Sùng do kỵ tên vào niên hiệu Khai Nguyên đang dùng khi đó. Đại thần Khương Kiểu có xích mích với Diêu Sùng, bị Minh Hoàng trách phạt nặng nề, sau đó ông bái Nguyên Chi làm Binh bộ thượng thư, Đồng trung thư môn hạ tam phẩm. Dưới thời Minh Hoàng, số lượng tể tướng trong triều được hạn chế ở số 2 (đôi khi là 3) thay vì 6, 7 người như thông lệ các triều vua trước[32]. Ông lập vợ là Vương thị làm Hoàng hậu. Nhưng do Hoàng hậu không con, nên người con của Triệu Lệ phi - người được Minh Hoàng sủng ái - là Lý Tự Khiêm được phong làm Thái tử vào năm 714[29][33].

Ông muốn giao hết triều chính cho Diêu Sùng giải quyết, nhưng Diêu Sùng không hiểu ý khiến Minh Hoàng không hài lòng. May nhờ có Cao Lực Sĩ đứng ra giải hoà, cho Diêu Sùng hay ý vua, từ đó Diêu Sùng (với sự phụ tá của Lư Hoài Thận), chưởng quản triều định, tiến cử trung lương, trừng phạt gian thần, vỗ an bách tính, khiến triều chính trở nên ổn định và vững mạnh, bản thân Sùng trở thành vị tể tướng nổi tiếng thành công trong lịch sử Trung Quốc[29].

Cuối năm 713, đầu năm 714, Minh Hoàng lần lượt cho đổi tên một số cơ quan và địa danh trong nước: đổi chức Thượng thư tả hữu bộc xạ làm Tả và Hữu thừa tướng; đổi Trung thư tỉnh thành Tử vi tỉnh, Trung thư lệnh thành Tử vi lệnh (chức này giao cho Diêu Sùng); đổi Môn hạ tỉnh làm Hoàng môn tỉnh...[29].

Sang năm 714, Minh Hoàng hạ lệnh bãi chức và lưu đày nhiều quan lại độc ác dưới thời Võ Tắc Thiên, lợi dụng quyền cai ngục mà dùng cực hình chà đạp phạm nhân, xâm hại bách tích như Chu Lợi Trinh, Vương Tiên Đồng, Ngụy Tri Cổ, cấm con cháu những người này ra làm quan... Theo lời tấu của Khương Hối, các cựu tể thần thời Trung Tông gồm Vi Tự Lập, Vi An Thạch, Trương Ngạn Chiêu, Lý Kiệu... bị sa thải vì tội chỉ biết đứng nhìn trước sự lộng hành quá quắt của Vi hoàng hậu[29]. Lư Hoài Thận vẫn cùng Diêu Sùng đảm nhận chức tể tướng, nhưng tài năng của Diêu Sùng vẫn vượt trội Hoài Thận, do đó có phần lấn át hơn. Năm 715, Hoài Thận tiến cử Thái thường khanh Mã Hoài Tố lên Đường Minh Hoàng, ông phong Hoài Tố làm Tả tán kỵ thường thị.

Cuối năm 7 năm 716, Thượng hoàng Duệ Tông băng hà. Minh Hoàng ép con gái mình là Công chúa Vạn An làm nữ quan, cầu phúc cho vong linh của Thượng hoàng[23].

Cuối năm năm 716, Lư Hoài Thận bị bệnh gần mất, bèn tiến cử các đại thần là Tống Cảnh, Lý Kiệt, Lý Triều Ẩn, Lư Tòng Nguyện lên Minh Hoàng, sau đó thì mất. Hoàng đế đã trọng dụng tất cả những người trên, và dùng Nguyên Can Diệu lên thay vị trí phó tướng của Lư Hoài Thận. Còn Diêu Sùng không có phủ đệ, phải sống trong chùa Võng Cực, đến lúc đó lấy cớ bị bệnh mà không yết triều. Từ đó mỗi khi có việc lớn không giải quyết được, nhà vua đều đến chùa này để gặp hỏi ý Diêu Sùng. Sau đó ông chuyển Sùng sang Tứ phương quán dưỡng bệnh. Tuy nhiên về sau, con trai Diêu Sùng cùng với cộng sự Triệu Hối dính vào một vụ án tham nhũng lớn và bị Minh Hoàng xử tử, Diêu Sùng buồn rầu không muốn dự triều nữa, bèn xin từ chức tể tướng, tiến cử Tống Cảnh lên ngay. Minh Hoàng nghe theo.[34] Nguyên Can Diệu cũng bị bãi chức, và Tô Đĩnh lên nắm giữ quyền tể tướng cùng với Tống Cảnh. Còn Diêu Sùng tuy không còn tham gia chính quyền, nhưng vẫn có ảnh hưởng tới hoàng đế, nhiều lần vẫn được ông hỏi ý kiến đến tận lúc mất (721). Chủ trương chính trị của Tống Cảnh là thượng tôn pháp luật, mọi việc đều làm theo luật và thường can gián thẳng thừng, trái với Diêu Sùng nhanh nhẹn và linh hoạt. Đơn cử như vào năm 719, đại thần Vương Nhân Kiểu mất, người nhà muốn làm mả cao năm trượng một thước, nhưng Tống Cảnh không đồng ý vì theo nghi lễ, phần mộ đại thần cao nhất chỉ tới ba trượng. Tuy không hợp ý với nhà vua nhưng nói chung thời Tống Cảnh làm tể tướng, quan hệ quân thần trong triều vẫn tốt đẹp. Sử sách nhấn mạnh rằng dù tính cách của hai tướng Diêu - Tống trái ngược nhau, nhưng khi nói tới thịnh trị thời Khai Nguyên thì không thể không kể đến tên của họ; và các tể tướng sau này luôn bị đánh giá thấp hơn họ[29].

Năm 718, Minh Hoàng cho khôi phục lại Tử Vi tỉnh và Hoàng môn tỉnh thành Trung thư và Môn hạ tỉnh như cũ. Trong khi đó trong triều, dưới thời Tống Cảnh làm tể tướng, chính trị vẫn ổn định. Tống Cảnh được người dân quý mến, muốn lập đền thờ sống, nhưng ông xin nhà vua cấm làm việc này.

Từ thời Minh Hoàng, chính sự bắt đầu có sự can thiệp của hoạn quan, đó là Cao Lực Sĩ. Lực Sĩ hầu hạ bên cạnh Minh Hoàng từ thời ông còn trẻ, nên rất được ông tin tưởng. Lực Sĩ từng nhiều lần dàn xếp mối quan hệ vua tôi trong triều, nhưng cũng căm ghét một số đại thần không ưa mình. Năm 719, Minh Hoàng phong cho đại thần Vương Mao Trọng làm Thái bộc khanh và trọng dụng ông ta. Vương Mao Trọng đố kị nhiều đại thần trong triều. Tuy có phủ đệ ở ngoài nhưng ông ta lại thường đến nội trạch trong cung để ở, lại tỏ ra hống hách với các quan lại. Cao Lực SĩDương Tư Úc ghét ông ta, nên tìm cơ hãm hại.

Cũng năm đó, cha Vương hoàng hậu là Vương Nhân Hiệu qua đời. Hậu huynh Vương Thủ Nhất - người đã kết hôn với công chúa Tiết quốc chị Minh Hoàng[35] - đề nghị xây dựng mộ phần Nhân Hiệu theo quy mô ngôi mộ của Đậu Hiếu Kham, ngoại tổ phụ của Minh Hoàng. Ban đầu nhà vua đồng ý, nhưng sau đó các tể tướng Tống CảnhTô Đĩnh phản đối vì cớ mộ của Đậu Hiếu Kham quá tốn kém và không nên làm thêm một ngôi mộ như thế nữa. Minh Hoàng đồng ý với các tể tướng, và hạ lệnh chôn cất Vương Nhân Hiệu theo lễ quan nhất phẩm.

Từ cuối năm 719, trong nước phát sinh nạn tiền giả, Tống CảnhTô Đĩnh xử lý sự việc khá nghiêm khắc, vô tình làm Minh Hoàng không vui Sang năm 720, ông bãi chức Tể tướng của Tống CảnhTô Đĩnh[36], sau đó bổ nhiệm Trương Gia TrinhNguyên Can Diệu làm tể tướng.[37]. Nguyên Can Diệu chủ trương không nên trọng dụng con cháu thế tộc mà không có công huân, nên tự mình xin Minh Hoàng cho bãi chức hai người con, cho ra làm việc ở các châu. Sau đó các quan khác cũng đành hưởng ứng xin theo, tổng cộng hơn 100 công tử quý tộc được hưởng phụ ấm bị chuyển sang các châu quận làm việc. Còn Trương Gia Trinh cũng là một nhà chính trị có khả năng, nhưng không bằng Diêu Sùng, Tống Cảnh. Lúc làm tể tướng, ông ta tiến cử bốn quan đại thần gồm Miêu Diên Tự, Lã Thái Nhất, Viên Gia Tĩnh, Thôi Huấn. Bốn người này được tham gia quyết định chính sự trong triều, cũng có nhiều quyền lực. Sang tháng 9 ÂL năm 721, Minh Hoàng lại bổ nhiệm Trương Thuyết làm Đồng trung thư môn hạ tam phẩm, do đó trong triều đình có tới 3 tể tướng[38].

Trong khi đó, hoàng đế theo đề nghị của Trương Thuyết, đã giảm số quân phòng thủ ở biên cương từ 60 vạn xuống còn 20 vạn, để những người lính có thể trở về đoàn tụ với gia đình họ. Hơn nữa, nhận thấy rằng binh sĩ bất bình vì họ bị buộc phải ra trấn thủ biên cương dài hạn nhưng gia đình họ không được miễn thuế, nên Trương Thuyết đã đề nghị bãi bỏ chế độ cũ, ban lệnh cho quân sĩ trong quân đội được miễn thuế thân và lao dịch, do đó nhiều người xung phong nhập ngũ. Điều này giúp cho trong một thời gian, các binh sĩ được chu cấp đầy đủ hơn. Cuối năm, nhà Đường thu thập được 13 vạn tinh binh, bèn hạ lệnh luân phiên chia thời gian trong năm nhau thành các kì hạn; đến kì thì cho binh lính vào túc trực, hết hạn thì trả về quê làm ruộng. Một số sử gia sau này lên án Trương Thuyết, cho rằng quyết định của ông là mầm mống cho sự suy yếu của quân đội Đường sau này, song một số người khác, chẳng hạn như sử gia hiện đại Bá Dương, lập luận rằng hành động của Trương Thuyết không chỉ là cần thiết để đáp ứng binh lính mà còn cứu sống nhiều người[39].

Tết năm 723, Đường Minh Hoàng rời Trường An đến tuần du phương bắc, tháng 3 về kinh. Trong lúc đó tại triều, hai tể tướng Trương Gia Trinh, Trương Thuyết bất hòa với nhau, và Trương Thuyết bới móc việc em trai của Trương Gia TrinhTrương Gia Hựu dính dáng tới một vụ tham nhũng mà gièm pha với hoàng đế, do đó Gia Trinh bị hoàng đế biếm làm Thứ sử U châu.[40]. Sau đó Trương Thuyết được phong Trung thư lệnh, trở thành tể tướng nắm quyền lực cao nhất. Đến tháng 4, Minh Hoàng phong Vương Tuấn làm Binh bộ thượng thư, Đồng trung thư môn hạ tam phẩm, thay thế vị trí của Trương Gia Trinh. Nhưng đến cuối năm đó, Tuấn bị tố cáo có ý tạo phản, nhưng do không đủ bằng chứng nên chỉ bị biếm chức làm Thứ sử Kì châu[41].

Cuối năm 723, quần thần đề nghị Minh Hoàng làm lễ phong thiền (tế trời). Về việc này, hai tể tướng Nguyên Can DiệuTrương Thuyết trái quan điểm, trong khi Can Diệu khuyên vẫn chưa tới thời cơ thích hợp, nhưng Trương Thuyết thì ngược lại. Do đó giữa hai người sinh ra bất bình. Nghi lễ cuối cùng được tổ chức vào năm 725[38].

Năm 726, thấy Minh Hoàng có ý trọng dụng các đại thần Thôi Ẩn PhủLý Lâm Phủ, Võ Văn Dung; Trương Thuyết sinh lòng ghen ghét, sau đó hoàng đế phong Thôi Ẩn Phủ làm Ngự sử đại phu, do đó Thuyết oán Ẩn Phủ. Mùa hạ năm 726, Thôi Ẩn Phủ, Võ Văn DungLý Lâm Phủ tố cáo Trương Thuyết nhận hối lộ. Minh Hoàng tức giận, cho bãi chức Trương Thuyết. Tuy nhiên sau đó ông nghe theo hoạn quan Cao Lực Sĩ, vẫn giữ cho Trương Thuyết một số chức vụ lớn trong triều và bỏ qua tội hối lộ. Không lâu sau, ông phong cho Lý Nguyên Hoành làm Trung thư thị lang, Đồng bình chương sự (Tể tướng) thay vào vị trí của Trương Thuyết. Mấy tháng sau, ông tiếp tục phong cho Đỗ Xiêm làm Thừa tướng thứ ba[42][43].

Năm 727, thấy Minh Hoàng lại nhớ đến Trương Thuyết; Võ Văn DungThôi Ẩn Phủ lo sợ, bèn dâng sớ đàn hặc Thuyết. Nhà vua không tin, lại cho biếm Võ Văn Dung đến Ngụy châu, bắt Ẩn Phủ về nhà dưỡng bệnh cho mẹ. Tháng 11 năm 728, Minh Hoàng phong đại thần Tiêu Tung làm Đồng bình chương sự. cũng trong thời gian này, Minh Hoàng hạ lệnh cho xây Thập Vương viện (十王院) làm nơi ở cho các hoàng tử, thân vương. Kể từ đó, các thành viên nam trong hoàng tộc phần lớn sống trong Thập Vương viện này[43].

Trương Gia Trinh rồi Trương Thuyết, Lý Nguyên Hoành... được phong tể tướng rồi bị phế truất, chỉ có Nguyên Can Diệu tại vị được lâu hơn cả, là do ông ta luôn nhún nhường các đại thần khác, không dám lấn át họ, do đó chức vị tể tướng của Can Diệu cũng không làm được gì. Năm 729, Lý Nguyên Hoành cùng Đỗ Xiêm bất hòa, thường tố cáo nhau trước mặt Minh Hoàng. Cuối mùa hạ năm đó, Minh Hoàng sai biếm chức cả hai người, và bãi chức Thị trung của Nguyên Can Diệu, nhưng vẫn để ông ta giữ chức Tả thừa tướng[43]. Ông lấy Bùi Quang Đình, Vũ Văn Dung nắm quyền tể chấp trong triều[43]. Vũ Văn Dung kiến nghị cách thu thêm tiền cho ngân khố bằng việc tăng các loại thuế cũ và thiết lập các loại thuế mới. Cuối năm đó, Vũ Văn Dung đổ oan cho Lý Huy, anh họ của nhà vua, có ý mưu phản. Sự việc được phát giác, Vũ Văn Dung bị trục xuất và chết trên đường lưu đày, Tiêu Tung lên thay. Tuy nhiên, người ta cho rằng từ thời Vũ Văn Dung, vua Minh Hoàng bắt đầu để ý đến việc thu thêm tiền vào ngân khố, điều mà các nhà sử học truyền thống xem là dẫn đến gánh nặng tài chính đổ lên vai người dân. Hơn thế nữa, khi Bùi Quang Đình phụ trách hệ thống vấn đề dân sự, người ta cho rằng do sự cổ hủ của ông ta khiến các khoa cử của triều đình bỏ sót nhiều nhân tài[43].

Lúc đó Vương Mao Trọng tuy không làm tể tướng nhưng rất được tin dùng. Ông ta cùng Cát Phúc Thuận, Lý Thủ Đức, Vương Cảnh Diệu... trở thành một nhóm thế lực trong triều, khinh rẻ các đại thần khác. Cuối năm 730, hoạn quan Cao Lực Sĩ vốn được nhà vua tin yêu, không hài lòng với Mao Trọng, bèn nhân lúc vợ ông ta sinh con trai, xin Minh Hoàng cho mình đến chúc mừng. Minh Hoàng bèn nhờ Lực Sĩ mang rượu đến chúc mừng và phong tiểu công tử làm quan ngũ phẩm. Khi Lực Sĩ trở về, nhà vua hỏi về thái độ của Vương Mao Trọng, Lực Sĩ bảo Vương Mao Trọng đòi cho con mình làm quan tam phẩm, khiến vua cực kì tức giận. Đầu năm 731, nhà vua sai biếm Vương Mao Trọng làm biệt giá Nhương châu, các đại thần cùng cánh cũng bị đày đến châu xa, sau đó Minh Hoàng lại sai người đến ban rượu độc cho Mao Trọng.[44]. Từ đó ông càng tin tưởng Cao Lực Sĩ, Lực Sĩ chính là người mở đầu cho nạn hoạn quan tham chính trong những năm nửa cuối triều Đường.

Mùa xuân năm 733, Bùi Đình Quang chết, Minh Hoàng theo ý kiến của Tiêu Tung, bổ nhiệm Vương Khâu thay làm tể tướng, nhưng Vương Khâu từ chối và đề cử đại thần Hàn Hưu. Do đó Hàn Hưu được phong Hoàng môn thị lang, Đồng bình chương sự. Ban đầu Hàn Hưu cùng Tiêu Tung hòa hợp, nhưng sau đó chuyển sang bất hòa. Nhà vua biết chuyện, mùa đông cùng năm đó bãi chức cả hai, lấy Bùi Diệu KhanhTrương Cửu Linh cùng lên thay đảm nhận chức tể tướng[43][45].

Quân sự và ngoại giao

Về quân đội, Đường Minh Hoàng tiến hành cải cách phủ binh chế. Năm 723, ông thiết lập chế độ mướn quân. Chế độ này một mặt vừa có thể giải trừ được nổi khổ đi lính ở dân chúng ở các nơi, mặt khác lại có thể thu hút đội ngũ thất nghiệp, làm dịu mậu thuẫn xã hội. Minh Hoàng còn giải quyết về vấn đế lương thực cho quân đội. Năm 717, quân Đường đã thu tới 13 châu đã rơi vào tay giặc suốt 17 năm. Minh Hoàng còn muốn mở rộng đất đai nên đã đem quân sang xâm chiếm bán đảo Triều Tiên, củng cố nền thống trị ở An Nam. Danh tiếng của nhà Đường ngày càng lừng lẫy, những nước Ả rập và La Mã cử ngay người sang để đi sứ, giao hảo và học hỏi Đại Đường. Đất nước ngày càng cường thịnh.

Chiến tranh với lân bang

Mùa xuân năm 713, Khã hãn Đột QuyếtMặc Xuyết (tức Khả hãn Thiên Thiện) sai con là Đồng Nga Đặc Lặc, em vợ Hỏa Bạt Hiệt Lợi cùng tướng Thạch A Thất công đánh Bắc Đình đô hộ phủ, nhưng bị quân Đường kích bại, Đồng Nga bị quân Đường chém chết, Mặc Xuyết đau đớn dẫn quân về. Sau trận này, hoàng đế lấy Hồng Lư thiếu khanh, Sóc Phương phó đại tổng quản Vương Khuê kiêm làm An Bắc đại đô hộ, Sóc Phương đạo hành quân đại tổng quản, cho cai trị thêm ba thành Phong An, Định Viễn, Hàng Thành... để phòng bị Đột Quyết xâm lấn. Tháng 5 năm sau, do nàng công chúa trước kia được Đường Trung Tông gả cho Mặc Xuyết đã chết, Mặc Xuyết lại đến nhà Đường xin cầu hôn với một nàng công chúa nữa, trong thư xưng là phò mã, Thánh Thiên Cốt Độc Lộc Khã hãn. Minh Hoàng chấp nhận, gả công chúa sang Đột Quyết.[46]. Từ đó mặc dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột, nhưng nói chung quan hệ giữa hai bên vẫn tốt đẹp. Tuy nhiên sang năm sau, khi Mặc Xuyết già cả thì sinh ra bạo ngược, nhiều tù trưởng không phục, một số quy hàng nhà Đường.

Trước kia quân đội nước Khiết ĐanHề nhân lúc vùng Doanh châu hỗn loạn đã xua quân chiếm lấy. Đầu năm 714, tướng quân Tiết Nột dâng sớ xin Minh Hoàng hỗ trợ quân khôi phục lại Doanh châu. Tuy Diêu Sùng nhiều lần can gián rằng chưa tới lúc để động binh, nhưng Minh Hoàng vẫn quyết định ra quân. Mấy tháng sau, ông sai Tiết Nột dẫn quân tiến công Khiết Đan, nhưng bị quân Khiết Đan phục kích đánh tan, chết đến 8,9 phần[29]. Cùng năm 714, Đỗ Tân KháchThôi Tuyên Đạo cũng xuất quân đánh Khiết Đan và lại thảm bại.

Tháng 12 năm 713, nước Thổ Phiên (Tây Tạng) sau nhiều lần xung đột đã gửi sứ sang giảng hoà với nhà Đường. Tuy nhiên không lâu sau hai nước tiếp tục xảy ra xung đột. Tháng 6 năm 714, tướng Thổ Phiên Bộn Đạt Diên dâng thư xin giảng hòa, triều đình nghi ngờ đó là kế li binh của Thổ Phiên, nên Minh Hoàng cử 10 vạn quân ở hai châu Tần, Vị để đề phòng. Về sau, tuy cũng nhiều lần dâng thư minh ước nhưng Thổ Phiên vẫn dòm ngó nhà Đường. Mùa thu cùng năm, tướng Thổ Phiên lại dẫn quân cướp phá Lâm Thao. Minh Hoàng sai Tiết Nột cùng Quách Tri Vận ra chống cự, lần này quân Đường đẩy lui được Thổ Phiên. Mùa đông, khi Thổ Phiên lại đến xâm lấn Vị Nguyên, Minh Hoàng cho chuẩn bị hơn 10 vạn quân và 4 vạn con ngựa, dự định đích thân xuất chiến. Sau đó, Tiết Nột thắng được Thổ Phiên ở Võ Nhai, Minh Hoàng bèn bỏ ý định thân chinh. Sau này, hai bên cố gắng đi đến một thỏa thuận việc hôn nhân: Minh Hoàng phong cho con gái của Lý Thủ Lễ làm công chúa, gả cho hoàng đế Thổ Phiên Xích Đức Tổ Tán (Mes Ag Tshoms). Tuy nhiên những xung đột không dừng lại, quân đội hai nước vẫn đối đầu nhau năm này sang năm khác. Để đối phó với Thổ Phiên, vua Minh Hoàng thành lập Lũng Hữu tiết độ sứ, đặt trị sở ở Hải Đông đất Thanh Hải, gồm quân 12 châu dưới quyền một tướng cai quản với chức danh Tiết độ sứ[29]. Về sau, chế độ Tiết độ sứ mở rộng sang các nơi khác và trở thành mầm mống cho họa loạn của phiên trấn về sau này[47].

Năm 716, Mặc Xuyết của Đột Quyết đem quân đánh bộ tộc Bạt Duệ Cố nhưng bị Bạt Duệ Cố phục kích giết chết. Người Bạt Duệ Cố gói thủ cấp của Mặc Xuyết đến Trường An dâng cho nhà Đường rồi đầu hàng. Từ đó, Đột Quyết suy yếu dần và không còn đe dọa lớn tới nhà Đường nữa[29]. Tuy nhiên quân Đường vẫn đôi lúc gặp bất lợi. Như vào năm 720, khi tướng quân của Đột Quyết Bilge Tuňuquq (Thôn Dục Cốc) xâm lấn hai châu Cam, Lương[Ghi chú 7], đã đánh bại liên quân Đường và chư hầu Bạt Tất Mật. Triều đình nhà Đường kêu gọi Khiết Đan và Hề đem quân hỗ trợ, nhưng hai nước không cử quân, khiến quân Đường bị thua trận. Sang năm 721, hai nước mới giảng hòa. Đến giữa năm 726, Minh Hoàng cho bố trí quân ở năm châu Định, Hằng, Mạc, Dịch[Ghi chú 8], Thương để phòng bị Đột Quyết xâm lấn.

Trong khoảng thời gian này, nhà Đường đang tranh giành ảnh hưởng ở Tây Vực[Ghi chú 9] với Thổ Phiênnhà Umayyad. Vào năm 715, vua Bạt Hãn Na bị liên quân Thổ Phiên - Umayyad lật đổ và thay thế bằng một vị vua được họ ủng hộ, Minh Hoàng sai tướng Trương Hiếu Tung dẫn quân can thiệp, đuổi vị tân vương và khôi phục lại cựu vương[29]. Năm 717, quân đội nhà Đường lại đánh bại liên quân Thổ Phiên - Umayyad tại Trận Asku (717)[29][48][49]. Cuộc chiến này có sự tham gia của Sulu (Tô Lộc Khả Hãn) của Đột Kị Thi (Turgesh)[50][51][52][53]. Quân Đột Kị Thi, Thổ Phiên và Umayyad tấn công Uch TurfanAksu - hai thành phố nằm dưới sự bảo hộ của nhà Đường - vào ngày 15 tháng 8 năm 717, nhưng bị thảm bại nặng nề và quân Ả Rập phải tháo chạy về Tashkent[49][54].

Năm 717, đại thần Tống Khánh lại dâng biểu xin thu phục lại Doanh châu. Đầu mùa hạ cùng năm cùng năm, Minh Hoàng cho xây thành trong địa phận gần Doanh châu để chuẩn bị việc tấn công, từ đó nhà Đường thu phục lại 13 quận Doanh châu. Thành xây xong trong ba tuần, nhiều người dân lưu tán trong vùng cũng nhân cơ hội được tụ họp trở về làm ăn. Mấy năm sau, vùng đất đó lại sung túc. Thấy nhà Đường giàu mạnh, Khiết Đan tạm thời xin quy phục. Cuối năm 717, vua Khiết Đan là Lý Thất Hoạt đến triều kiến Minh Hoàng. Sang cuối năm 719, vua mới của Khiết Đan[Ghi chú 10] cùng công chúa được hoàng đế gả sang trước đó cũng đến triều kiến. Sang năm 721, hoàng đế lại phong cho Diêu huyện chúa Mộ Dung thị làm Yến Quận công chúa, gả cho vua Khiết Đan là Lý Úc Can.

Ở Lĩnh Nam, vào năm 713, có Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa ở Rú Đụn[Ghi chú 11], tự xưng là Mai Hắc Đế. Năm 714, Mai Hắc Đế chiếm được thủ phủ của phủ đô hộ An Nam là thành Tống Bình[Ghi chú 12], phát triển lực lượng lên tới 40 vạn người, lại kết minh với Lâm Ấp, Chân Lạp làm ngoại viện[55]. Quan đô hộ Quang Sở Khách hốt hoảng chạy về Trung Quốc. Nhà Đường huy động 10 vạn quân do Dương Tu Húc, Quang Sở Khách chỉ huy theo lộ trình xưa của Mã Viện mà tiến vào đất Việt. Đến năm 722, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt hoàn toàn[56].

Năm 725, quốc vương nước Vu Điền nổi dậy chống lại nhà Đường nhưng sau đó bị quân từ phủ đô hộ An Tây đánh bại, bản thân ông ta bị phế truất và thay thế bằng một vị vua khác[57]

Đến khi củng cố xong lực lượng, Thổ Phiên lại bắt đầu xuất quân gây hấn, nhưng vẫn bị quân Đường áp đảo. Năm 727, theo thỉnh cầu của Vương Quân Xước (王君㚟), hoàng đế ủy nhiệm cho ông ta thống lĩnh đại quân giao tranh với Thổ Phiên. Trước đó vào cuối năm 726, Vương tiến hành phản kích cuộc tấn công của tướng Thổ Phiên là Xinuoluogonglu (Tất Nặc La Cung Lộc). Tuy nhiên vào cuối năm đó, Xinuoluogonglu và một tướng khác là Zhulongmangbuzhi (Chúc Long Mãng Bố Chi) tấn công lần nữa và chiếm được cố hương của Vương là Qua châu[Ghi chú 13][58], bắt giam cha của ông này là Vương Thọ. Vì cớ này mà Vương không dám phản công, và sau đó đổ lỗi thất bại cho các tù trưởng dân tộc thiểu số dưới trướng rồi bắt họ đi lưu đày. Yaoluoge Hushu (Dược Cát La Hộ Thâu), cháu của một trong những tù trưởng kể trên - Yaoluoge Chengzong (Dược Cát La Thừa Tông) đã tiến hành phục kích và giết chết Vương; sau đó chạy trốn. Minh Hoàng lại cho bố trí từ các châu quận khác khoảng 56.000 quân đến Lũng Đạo, 40.000 quân ở Hà Tây, 10.000 quân đến âm Thao, 20.000 đến Hội châu để phòng thủ với người Thổ. Đến đầu mùa đông năm 727, thấy Thổ Phiên không đánh nữa, số quân này được lệnh về quê cũ.

Năm 728, tướng Tất Mạc Lang của Thổ Phiên xâm nhập Quá châu. Đô đốc Trương Thủ Khuê được lệnh xuất quân bình dẹp. Sau đó các tướng Tiêu TungTrương Trung Lượng tiếp tục đại phá Thổ Phiên ở Khát Ba Cốc rồi tiến sang đất Thổ Phiên, bắt nhiều người dân đem về. Về sau, quân Thổ Phiên lại bại trận ở Liên Thành. Khi Thổ Phiên lại sang cướp bóc, Tiêu Tung sai Tương Cương đem quân đánh dẹp, bắt 7 đại tướng của Thổ Phiên. Tháng 3 ÂL năm 729, quân Thổ Phiên tiếp tục bị đánh bại bởi các tướng Trương Thủ KhuêGiả Sư Thuận ở đất Tây Ninh[59][30]. Tháng sau, Thổ Phiên công đánh thành Thạch Bảo, nhưng cũng thua trận. Còn đối với các bộ tộc Nam Man, trong mùa xuân năm đó, tướng Đường là Trương Thủ Tố cũng chiếm được Côn Minh và Diêm Thành, giết và bắt hơn 10.000 người. Sang tháng 5 ÂL năm 730, Thổ Phiên gửi sứ giả sang cầu hòa.[43]. Trong nhiều năm tiếp theo, nhà Đường không tham gia vào các chiến dịch quân sự lớn nào trong khu vực này nữa[43].

Năm 730, đại tướng Khiết ĐanKhả Đột Vu giết vua Lý Thiệu Cố, sau đó uy hiếp vua Hề quốc Lý Lỗ Tô cùng mình hàng Đột Quyết. Vua Hề vội vã cùng thê thiếp bỏ trốn, cầu cứu nhà Đường, Khả Đột Can nhân đó chiếm lấy luôn Hề quốc. Minh Hoàng cử Triệu Hàm Chương, Vương Tuấn Lĩnh, Lý Triều Ẩn đem quân thảo phạt, và chiêu mộ thêm dũng sĩ. Để có thể tập trung lực lượng cho chiến trường Hề - Khiết Đan, nhà Đường tạm giảng hòa với Thổ Phiên. Năm 732, Minh Hoàng cử thêm Lý Y dẫn thêm quân chi viện. Quân của Y đại phá được quân hai nước, giết và bắt giữ rất nhiều người, nhưng để Khả Đột Can chạy thoát. Sau đó Hề Quốc gửi sứ sang đầu hàng. Mùa xuân năm 732, theo đề nghị của công chúa Kim Thành, Đường Minh Hoàng sai cắm bia phân định biên giới giữa Đường và Thổ Phiên.

Ở phía đông, nước Bột Hải vốn thần phục nhà Đường, nhưng thỉnh thoảng lại dẫn quân xâm phạm biên cương. Năm 732, tướng Đường là Cát Phúc Thuận đánh bại quân Bột Hải một trận lớn. Năm sau (733), Minh Hoàng sai quân can thiệp vào Bột Hải, đưa hoàng tử Đại Môn Nghệ về nước tranh ngôi với Bột Hải Mục vương, nhưng gặp tuyết lớn phải lui về[43][60].

Năm 733, Quách Anh Kiệt bị quân Khiết Đan giết ở Đô Sơn. Sau đó, Tiết độ sứ Tiết Sở Ngọc dẫn 10.000 quân hợp sức với Hề quốc cùng công đánh Khiết Đan, nhưng quân Hề sợ hãi bỏ trốn. Quân Đường gặp cảnh bất lợi, cuối cùng Anh Kiệt bị giết, hơn 6000 quân còn lại không đầu hàng đều bị Khả Đột Vu giết hại. Khoảng năm 735, Khả Đột Vubị giết trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Khiết Đan lại xin quy phục nhà Đường, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, lại nổ ra chiến sự[45]. Về nước Đột Kị Thi, một phần lãnh thổ Đột Quyết cũ cũng thường cất quân xâm phạm biên giới, nhưng cũng đều bị quân Đường nhanh chóng đẩy lui. Mùa thu năm 735, Đột Kị Thi tấn công vào đất Đình châu[52][Ghi chú 14] song thất bại và phải cầu hòa với nhà Đường.

Nội loạn

Năm 721, người châu Lan Trì ở biên cương là Hồ Khang Đãi chiêu tập dân chúng các bộ tộc ít người nổi lên kháng Đường. Tháng 4 ÂL cùng năm công đánh Lục Hồ châu rồi tập hợp 70.000 người đánh tới Hạ châu[Ghi chú 15]. Minh Hoàng sang Quách Tri Vận tiến đánh, đến tháng 7 ÂL thì bình định xong. Nhà Đường triệu tập tù trưởng các nơi đến xem tử hình Khang Đãi, để tỏ rõ uy thế. Sang năm 722, dư đảng của Hồ Khang Đãi là Khang Nguyện Tử lại nổi loạn, tự xưng Khã hãn. Minh Hoàng sai Trương Thuyết đi đánh, bình dẹp xong.

Cũng năm đó, Tả Lĩnh quân Quyền Sở Bích cùng Lý Tề Tổn lại nổi loạn chống triều đình, tôn Quyền Lương Sơn làm Quang đế, trá xưng là con trai của Thương Đế Lý Trọng Mậu. Quân nổi loạn hơn 100 người tiến vào cung thành, nhưng bị quân hộ vệ đánh tan, Sở Bích bị chém đầu[38].

Năm 725, tướng Úy Trì Thiếu Âm hợp mưu với các bộ tộc phương bắc phản loạn, An Tây phó đô hộ là Đỗ Xiêm đem quân đánh dẹp và giết Thiếu Âm. Cùng năm 725, yêu tặc Lưu Định Cao nổi loạn, dẫn quân công đánh cửa Thông Lạc, bị quân triều đình giết chết. Năm 726, có người ở Thái Nguyên tự xưng là hoàng tử con Triệu Lệ phi, nhưng Minh Hoàng không tin, sai giết chết[38].

Đầu năm 728, Trần Hành Phạm ở Lung Đẳng châu, Hà Du Lỗ ở Quảng châu cùng nhau làm loạn, vây hơn 40 thành. Hành phạm xưng hoàng đế còn Du Lỗ xưng Định Quốc đại tướng quân. Nhà vua sai Dương Tư Úc dẫn quân từ Quê châu và các vùng lân cận đánh dẹp. Tư Úc trảm được 6 vạn quân phản loạn, giết Hành Phạm[43].

Văn hoá, khoa học và xã hội

Tây An Đại Thanh chân tự, công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Đường Minh Hoàng

Minh Hoàng từ lúc nhỏ cũng giỏi về âm nhạc. Khi lên ngôi, ông tiếp tục chú ý phát triển các hình thức ca Võ, thường sai thân tín giỏi âm nhạc đến các phường hát chỉ dạy cho nghệ sĩ. Năm 714, ông tuyển hơn 100 nhạc công, sai sáng tác khúc Hoàng Đế lê viên đệ tử, sai cung nữ diễn tập. Sau đó còn tuyển kĩ nữ múa hát vào cung, lập Nghi Xuân Viện, để họ sống ở đó và thường sai biểu diễn ở các hội lể trong triều.[61].

Từ thời Võ Tắc ThiênĐường Trung Tông, hoàng đế sùng đạo Phật, người trong nước rủ nhau xuất gia đi tu làm mất nhiều nhân lực cho sản xuất. Trong chùa nhiều nhà sư không biết giữ giới làm mất thanh uy nhà Phật. Tháng 2 năm 714, Minh Hoàng theo lời Diêu Sùng, cho trục xuất hơn 12000 nhà sư khỏi chùa. Ông cũng hạ lệnh cấm quan lại quan hệ mật thiết tăng ni để tránh chuyện nhà sư dính dáng vào triều chính, đồng thời cũng ra lệnh cấm nhân gian chú thích các kinh Phật.

Tể tướng Tống Cảnh dưới thời đảm nhiệm chức vụ cũng không thân thiện với những quan lại mê tín dị đoan, thích việc quỷ thần. Để giảm tình trạng này, ông ta cũng nhiều lần dâng sớ xin bãi miễn nhiều quan lại như vậy lên Minh Hoàng, điển hình là năm 718, Minh Hoàng theo lời Tống Cảnh, bãi chức của hai đại thần Lý UngTrịnh Miễn. Còn về dân chúng ở biên cương nhiều lần nổi loạn, nhà vua cho dời dân ở sáu châu Hà Khúc (hầu hết là người Hồ) đến các châu Hứa, Nhữ, Đường, Đặng, Tiên, Dự để dễ bề quản lý.

Ngoài ra ông cũng chú trọng tới việc sưu tầm sách vở. Lúc đầu, ông lập Thư viện Lệ Chánh, chiêu tập nhiều trí thức học giả trong nước đến đàm đạo. Năm 723, có xá nhân Lục Kiên xin miễn việc này vì không có ích gì, nhưng Minh Hoàng nghe theo Trương Thuyết rằng từ xưa khi quốc gia vô sự thì đế vương có thể chú tâm đến sách vở văn học, phát huy điển tịch. Cuối năm 723, Minh Hoàng tổ chức tế nam giao.[62]

Về khoa học, Minh Hoàng cũng chú trọng đến ngành thiên văn. Đặc biệt là vào thời chấp chính của tể tướng Trương Thuyết - một đại thần có sự quan tâm đặc biệt đối với thiên văn học. Năm 724, ông bố trí cho Nam Cung Thuyết, một nhà thiên văn nổi tiếng, thực hiện một cuộc quan sát thiên tượng ở nhiều địa điểm khác nhau trong nước[38]. Nhân ngày sanh nhật của mình vào năm 729, Đường Minh Hoàng triệu các đại thần đến Hoa Ngạc Lâu dự yến. Tại buổi lễ, các đại thần đề nghị nhà vua mỗi năm vào giữa tháng 8 tổ chức Tiết thiên thu. Từ đó, hằng năm người dân đều tổ chức Trung thu, dần đà đây trở thành một lễ hội lớn ở Trung Quốc và các nước lân cận[43].

Kinh tế

Đường Minh Hoàng rất chú trọng về việc phát triển kinh tế xã hội. Để nông dân có đất để ăn ở, ông đã thẳng tay trừng trị những bọn địa chủ, quý tộc tham lam dám chiếm đoạt ruộng đất của dân. Đồng thời từ năm 712 đến năm 715, Ông đã triển khai phong trào Kiểm điền quát hộ trong phạm vi cả nước. Hoàng đế bổ nhiệm Võ Văn Dung làm quan khuyến nông khác và quan phụ tá phân công nhau đi đến khắp nơi trong nước để kiểm tra ruộng đất ở đó. Nếu bọn địa chủ có thừa đất thì phải ép chúng cắt một miếng đất cho dân nghèo. Còn những người tá túc trong nhà bọn cường hào thì phải đăng ký hộ tịch. Kết quả là phong trào nói trên đem lại nhiều lợi ích đáng kể, làm cho nhà nước tăng thêm 88 vạn hộ, còn nếu tính thêm tiền của những người tá túc thì nhiều không kể xiết. Để phát triển ngành sản xuất nông nghiệp, Đường Minh Hoàng cho xây dựng những công trình thủy lợi trong cả nước. Tổng số công trình thủy lợi mà Minh Hoàng cho xây dựng đã vượt hơn cả hai thời Đường Cao TôngVõ Tắc Thiên, chiếm gần một nửa với cả công trình thủy lợi của nhà Đường.

Ở trong cung, Đường Minh Hoàng trong thời kì này chủ trương tiết kiệm, không khuyến khích cung nhân dùng nhiều đồ trang sức xa xỉ. Mùa thu năm 714, ông ra lệnh rằng những đồ dùng thừa trong cung cần được giao cho hữu ti tiêu hủy bớt, chỉ giữ lại một phần đủ dùng. Trong triều, ông cấm quan lại dưới ngũ phẩm dùng các loại trang sức quý phái vương giả, những phẩm trật trên cũng chỉ cho dùng theo một hạn nhất định.

Năm 716, trong nước phát sinh nạn châu chấu phá hoại mùa màng của nông dân. Minh Hoàng theo lời Diêu Sùng, mở chiến dịch lớn tiêu diệt châu chấu, và giành được một số thành công nhất định, đẩy lùi nạn châu chấu và ngăn chặn nguy cơ về một nạn đói có thể xảy đến[29]. Minh Hoàng cũng hạ lệnh cấm phát hành và lưu hành tiền giả trong nước. Lệnh này được ban bố đầu năm 718 theo đề nghị của tể tướng Tống Cảnh. Ngoài ra ông cũng cho xuất 2 vạn tiền trong Thái phủ để bình ổn giá cả trên thị trường. Sang năm 719, ông ra lệnh cho quan lại các phủ tìm kiếm và thiêu hủy những đồng tiền giả.

Sau đó, năm 721, ông còn ra lệnh cho những người dân li tán có thể trở về quê cũ hoặc định cư ở làng mới, nhưng phải đăng ký vào hộ khẩu để triều đình dễ kiểm soát, đồng thời cấp tiền trong ngân khố để giúp họ sinh sống do đó số hộ trong nước tăng lên rõ rệt, đến 800.000 hộ.[38] Đời sống của người dân cũng được nâng cao và dân số cũng gia tăng rõ rệt. Theo thống kê năm 726, trên toàn lãnh thổ Đại Đường có tới 7.069.565 hộ, 41.419.712 người.[38]. Sang năm 732, con số này là 7.861.236 hộ, 45.431.265 người, năm 734 có 8.018.710 hộ, 46.285.161 người và năm 742 là 1528 huyện, 8.525.763 hộ, 48.909.800 người; gấp khoảng 3 lần so với Trinh Quán chi trị của Đường Thái Tông[63]. Nông nghiệp nhân đó cũng phát triển mạnh với những bánh xe nước được phát minh, các công trình đập nước được tu bổ, diện tích khai hoang mở rộng... Thủ công nghiệp cũng có những bước nhảy vọt đáng kể, với những làng nghề dệt tơ ở Định Châu, Ích Châu, Dương Châu, nghề gồm ở Việt Châu, nghề làm giấy ở Tuyền Châu, Ích Châu...[63].

Trong hậu cung

Sau khi lên ngôi, Đường Minh Hoàng cho lập vợ chánh là Vương thị làm Hoàng hậu. Vương thị lúc trẻ từng hiến kế cho ông dẹp loạn chư Vi. Tuy nhiên về sau Vương hoàng hậu ngày càng già đi, nhan sắc ngày càng suy kém, không còn được sự sủng ái của Minh Hoàng nữa. Bấy giờ đắc sủng là Võ Huệ phi, con gái của Võ Du Chỉ, một người cháu trong họ của Võ Tắc Thiên. Huệ phi sinh được bảy người con trong khi hoàng hậu không con. Võ Huệ phi có mưu đồ chiếm ngôi hoàng hậu, khiến Vương hoàng hậu rất bất bình và tức giận, nhiều lần tố cáo trước mặt nhà vua. Tuy nhiên Minh Hoàng lại đồng ý với Võ Huệ phi, nghe những lời của bà thì càng chán ghét hơn, và cũng muốn phế Vương hoàng hậu. Có một dịp, hoàng hậu nhắc nhở nhà vua rằng thuở còn hàn vi, có lần cha của hoàng hậu đã phải nhào bột làm mì để mừng sinh nhật Minh Hoàng, đến nỗi tay ông ta bị bầm tím cả lên. Nhà vua có tỏ ra xúc động, nhưng không lâu sau thì đâu lại vào đấy[64].

Năm 722, ông cùng đại thần Khương Kiểu bàn kế hoạch phế hậu, tuy nhiên Khương Kiểu lại tiết lộ việc này tới tai Vương hậu. Trương Gia Trinh, người nắm tướng vị khi đó, là người thân thiết với Vương Thủ Nhất - em trai Vương hoàng hậu; cùng với Đằng vương Lý Kiểu (em rể của hậu) đều dâng thư hỏi lý do lên hoàng đế, ông sinh bực bội với Khương Kiểu, bèn cho đánh Kiểu 60 trượng, đày ra Khâm Châu, Khương Kiểu chết trên đường bị lưu đầy[22].

Sau vụ Khương Kiểu, Vương hoàng hậu tâm trạng lo lắng sợ bị phế. Sử sách ghi rằng hoàng hậu rất có uy tín với bọn thái giám và cung nữ, nên không ai nói gì về những việc làm tiêu cực của bà. Vì thế nhà vua cũng không có lý do gì thích hợp để phế bà cả, và có lúc đã do dự. Tuy nhiên phía Vương Thủ Nhất lại cùng với đạo sĩ Minh Ngộ làm lễ cúng Nam TàoBắc Đẩu, và đưa cho hoàng hậu đeo một miếng ngọc bội làm bằng gỗ khắc hình trời đất và tên húy của Minh Hoàng, với ý cầu cho hậu có con và sẽ được như Võ Tắc Thiên lúc xưa. Năm 724, sự việc bị phát giác, Minh Hoàng xuống chiếu phế Vương Hoàng hậu làm thứ nhân, biếm Thủ Nhất bị biếm khỏi triều đình, sau ép tự tử. Cựu tể tướng Trương Gia Trinh cũng bị nghi ngờ có thông đồng với Hoàng hậu, nên cũng bị biếm làm Thứ sử Thái Châu[38] Tháng sau Vương thứ nhân chết, trong cung nhiều người khóc thương. Minh Hoàng cũng cảm thấy hối hận[38], bèn an táng bà theo nghi lễ dành cho nhất phẩm[38]. Năm 762, dưới thời Đường Đại Tông (cháu nội của Đường Minh Hoàng), Vương thị được truy tặng lại làm hoàng hậu, song không có thụy hiệu[64].

Sau cái chết của Vương hoàng hậu, Võ Huệ phi trở thành người nắm giữ nhiều quyền lực nhất trong hậu cung. Năm 726, hoàng đế đem ý muốn lập bà ta làm hoàng hậu nói với quần thần, nhưng quần thần cho rằng thái tử Lý Hồng[Ghi chú 16] không phải con đẻ của Huệ phi, sợ về sau Huệ phi mà chính vị trung cung sẽ đe dọa đến ngôi thái tử của Lý Hồng, hơn nữa Võ Huệ phi cũng là cháu của Võ Tắc Thiên. Minh Hoàng không cưỡng lại được, đành chấp nhận, nhưng ông cũng dành cho Võ Huệ phi nghi trượng và đồ dùng giống hệt hoàng hậu để an ủi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Minh_Hoàng http://blog.sina.com.cn/s/blog_471fa0c7010090rm.ht... http://english.cri.cn/12394/2016/12/31/2743s948606... http://guoxue.baidu.com/page/d0c2ccc6cae9/95.html http://www.britannica.com/EBchecked/topic/274034 http://discovery.cctv.com/20080214/102466.shtml http://www.doisongphapluat.com/doi-song/an-choi/te... http://www.erct.com/2-ThoVan/PXuanHy/DuongQuyPhi.h... http://kilopad.com/Tieu-su-Hoi-ky-c12/doc-sach-tru... http://onggiaolang.com/38-khai-thien-thinh-the/ http://phimhd7.com/thien-tu-tam-long-12271/